ADEC-doanh nghiệp vừa huy động 300 tỷ trái phiếu là ai?

Nhàđầutư
Những bước tiến vừa qua của ADEC lẫn công ty mẹ VRC có nhiều dấu ấn từ công ty chứng khoán SHS.
KHÁNH AN
22, Tháng 03, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Những bước tiến vừa qua của ADEC lẫn công ty mẹ VRC có nhiều dấu ấn từ công ty chứng khoán SHS.

CTCP ADEC ngày 13/3/2020 đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu. Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm.

Tài sản đảm bảo bao gồm quyền sử dụng đối với lô đất số CP968686 do sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp ngày 4/9/2019; Giấy chứng nhận và toàn bộ các quyền tài sản hiện tại, hình thành trong tương lai liên quan thuộc sở hữu hợp pháp của bên thế chấp với tổng giá trị 749,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó là 51% cổ phần tại CTCP Đóng tàu và dịch vụ cảng Mỹ Xuân, giá trị mỗi cổ phần cầm cố là 35.281 đồng/cổ phần.

Việc phát hành và thế chấp này đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường số 02 ngày 25/2/2020 của CTCP bất động sản và đầu tư VRC (công ty mẹ của ADEC).

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cố định 11%/năm. Tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đăng ký lưu ký và thanh toán là CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS). Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội CN Hàm Long là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo. Danh tính trái chủ không được công bố, chỉ được chú thích là "nhà đầu tư tổ chức".

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ADEC được thành lập vào năm 1993, đến năm 2016 công ty có vốn điều lệ lên 221,7 tỷ đồng, trụ sở đặt tại tầng 8, cao ốc Capital Tower, số 6 đường Nguyễn Khắc Viện, phường Tân Phú quận 7 TP.HCM. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (SN 1986).

Đến tháng 12/2018, vốn điều lệ của ADEC tăng lên mức 371,3 tỷ đồng, tiếp đó vào tháng 8/2019 tăng lên thành 523 tỷ đồng và giữ nguyên đến hiện tại.

vrcgoldseayqnr_wcmj

VRC là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn. Ảnh minh họa.

Tháng 10/2017, ADEC trở thành công ty con của CTCP bất động sản và đầu tư VRC (mã chứng khoán VRC) sau khi VRC mua vào 13,3 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 60,06% tại ADEC. Đến thời điểm cuối năm 2019, tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 54,33%. Tại VRC, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT.

VRC là một công ty xây dựng đời đầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tiền thân là xí nghiệp xây lắp đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, được thành lập năm 1980. Tháng 6/2005, VRC chuyển đổi thành CTCP và đến tháng 7/2010 công ty chính thức niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM.

Sau khi tái cơ cấu, VRC chuyển sang hoạt động kinh doanh bất động sản, đầu tư và M&A, nhưng doanh thu vẫn chủ yếu đến từ bất động sản. Dẫu vậy, vài năm trở lại đây, mảng kinh doanh cốt lõi này lại có dấu hiệu đi xuống khi vào năm 2017, mảng bất động sản (bất động sản đầu tư và bán đất nền) đóng góp 96% trong tổng doanh thu của công ty; nhưng đến năm 2018, tỷ trọng này chỉ là 77,5%.

Đặc biệt trong năm 2019, doanh thu của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 10,6 tỷ đồng, giảm 71% so với năm trước. Bên cạnh đó, do khoản lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư giảm sút mạnh từ 136 tỷ xuống còn 3,5 tỷ, dẫn đến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 24,9 tỷ đồng, trong khi cũng kỳ năm trước là 280 tỷ.

Tính tới 31/12/2019, tổng tài sản của VRC là 1.675 tỷ đồng, chiếm phần lớn là hàng tồn kho với 1.132 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, hàng tồn kho của VRC chủ yếu nằm ở các dự án bất động sản dở dang như Dự án Khu dân cư Nhơn Ðức, Phước Lộc - Nhà Bè (869,2 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư ADC, Phú Mỹ (250,7 tỷ đồng) và dự án Khu dân cư Long An A (12,5 tỷ đồng). Đây đều là các dự án được VRC triển khai thông qua ADEC.

Ngoài ra, VRC còn là chủ đầu tư của các dự án như Babylon Garden quy mô hơn 50.000m2; Dự án Cảng Mỹ Xuân 50,3ha; Tổ hợp khách sạn chung cư Hoàng Hoa Thám (mức đầu tư 472 tỷ đồng); Dự án Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (mức đầu tư 115 tỷ đồng),..

Bên cạnh việc sở hữu các dự án bất động sản lớn, VRC còn từng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi cổ phiếu công ty này giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp từ mức giá 24.000 đồng phiên 24/12/2019, xuống còn 5.800 đồng trong phiên 14/2/2020, tương ứng bốc hơi đến 76% giá trị khiến không ít nhà đầu tư thiệt hại nặng nề. Thời điểm cổ phiếu lao dốc, theo giải trình từ phía công ty, hoàn toàn do yếu tố cung cầu của thị trường tác động, công ty vẫn hoạt động bình thường.

Đến ngày 14/2, sau thông tin VRC sẽ mua lại tối đa 20% số lượng cổ phiếu đang lưu hành được phát đi, cổ phiếu của công ty này đã tăng trở lại.

Hiện tại, cổ phiếu VRC đang giao dịch quanh mức giá 6.000 đồng/CP. Tạm tính theo mức giá này, số tiền mà VRC dự kiến chi để mua 10 triệu cổ phiếu quỹ là khoảng 60 tỷ đồng, VRC cho biết nguồn vốn cho lần giao dịch này sẽ được lấy từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (tại ngày 30/6/2019).

Về cơ cấu sở hữu, SHS-đơn vị tổ chức tư vấn cho lô trái phiếu 300 tỷ đã đề cập trong bài, vừa hay lại là một cổ đông lớn tại VRC. SHS xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn của VRC vào ngày 26/7/2019 sau khi mua vào 70.000 cổ phiếu, nâng tổng số lượng cổ phiếu sở hữu lên 2,5 triệu, tương ứng tỷ lệ 5,05%. Đến ngày 29/8/2019, công ty chứng khoán này mua tiếp 1 triệu cổ phiếu VRC và ngày 6/9/2019 lại mua thêm 1,7 triệu đơn vị. Tại ngày 31/12/2019, số lượng cổ phiếu VRC mà SHS nắm giữ đã đạt 5,6 triệu, tương ứng tỷ lệ 11,21%.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ